Trẻ thiếu máu cần được bổ sung sắt như thế nào?

Trẻ thiếu máu cần được bổ sung sắt như thế nào?

21/05/2024Bình luận

Trẻ em bị thiếu máu không phải là tình trạng hiếm gặp. Nguyên nhân có thể là do chế độ dinh dưỡng hoặc các vấn đề sức khỏe. Do đó, cần bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu với lượng phù hợp.

Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

Mỗi độ tuổi, cùng với sự phát triển thể chất, trẻ em cần lượng máu đủ để nuôi dưỡng các tế bào máu và hình thành tế bào mới. Trẻ từ 6 tháng tuổi - 6 tuổi cần có huyết sắc tố đạt trên 100g/l. Nếu huyết sắc tố thấp hơn ngưỡng này thì tức là trẻ em bị thiếu máu.

Thiếu sắt dự trữ khi còn trong bụng mẹ

Thai nhi phát triển trong bụng mẹ không chỉ cần được nhận đủ chất dinh dưỡng để phát triển mà còn cần một số loại dinh dưỡng dự trữ, bao gồm cả chất sắt. Quá trình tích lũy sắt của thai nhi diễn ra khá sớm. Trẻ sinh đủ tháng sẽ tích lũy được khoảng 25 - 300 mg sắt, dùng cho việc tạo máu trong 3 - 4 tháng đầu sau sinh, khi dinh dưỡng chưa đáp ứng nhu cầu của bé.

Trẻ sinh non, sinh đôi hoặc mẹ bầu bị thiếu máu trong thai kỳ có thể khiến sắt dự trữ không đủ.

Tốc độ tăng trưởng nhanh

Sau khi sinh, trẻ có tốc độ phát triển thể chất và cân nặng nhanh, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng. Vì thế, lượng sắt sử dụng để tạo máu cũng cần nhiều hơn. Nguồn dinh dưỡng chủ yếu là sữa mẹ có thể không cung cấp đủ lượng sắt cho cơ thể. Do đó, những trẻ sinh non hoặc trẻ phát triển nhanh cần bổ sung nguồn dinh dưỡng khác để tăng sắt dự trữ.

Chế độ ăn thiếu sắt

Chế độ ăn thiếu sắt và không đầy đủ dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ em.

Mắc một số bệnh lý

Các bệnh lý mà trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể gặp như: rối loạn tiêu hóa, dị ứng sữa bò, cảm cúm, giảm hấp thu sắt (do viêm ruột, tổn thương tá tràng, sử dụng kháng sinh), xuất huyết kéo dài (giun móc, xuất huyết tiêu hóa), thiếu transferrin bẩm sinh, sắt không đi vào được tủy xương... đều làm giảm hấp thu sắt, dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Trẻ cần bao nhiêu sắt để phát triển khỏe mạnh?

Cơ thể cần có sắt để tạo ra hemoglobin - một loại protein có trong các tế bào hồng cầu, giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Do đó, nếu không đủ sắt, các cơ, mô, tế bào của trẻ sẽ không nhận được nguồn oxy cần thiết.

Tốt nhất, trẻ em nên được bổ sung sắt và vitamin từ một chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng. Nếu bố mẹ cho bé ăn đủ thực phẩm giàu sắt thì có thể trẻ không cần bổ sung sắt. Nhu cầu sắt ở trẻ tùy theo độ tuổi như sau:

- Trẻ 7 – 12 tháng tuổi: 11mg;

- Trẻ 1 – 3 tuổi: 7mg;

- Trẻ 4 – 8 tuổi: 10mg;

- Trẻ 9 – 13 tuổi: 8mg;

- Trẻ 14 -18 tuổi: 11mg (nam), 15mg (nữ).

Cách bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu

Tùy mức độ thiếu máu thiếu sắt, trẻ có thể gặp triệu chứng hoặc không. Nếu triệu chứng như yếu đuối, da xanh tái, hay quấy khóc đã xuất hiện thì mức độ thiếu máu thiếu sắt đã trở nên trầm trọng. Thiếu máu thiếu sắt nặng gây những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng nhịp tim, khó thở, sưng bàn tay - bàn chân, rối loạn hành vi,...

Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường trên, cha mẹ nên đưa bé tới bệnh viện kiểm tra sớm. Việc phát hiện sớm và bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu kịp thời sẽ giúp bé có sức khỏe tốt và phát triển bình thường.

Vậy cần bổ sung chất sắt cho trẻ em bị thiếu máu như thế nào?

Bổ sung sắt bằng dược phẩm

Hiện có nhiều sản phẩm bổ sung sắt dành riêng cho trẻ nhỏ. Với sự chỉ định và giám sát của bác sĩ, cha mẹ có thể cho bé sử dụng một trong các loại sau:

- Dạng giọt lỏng: Chất bổ sung sắt dạng lỏng giúp bé hấp thu sắt dễ dàng hơn. Thông thường, nó được dùng dưới dạng 1 ống nhỏ giọt, có vạch định liều lượng. Bao bì như vậy giúp bố mẹ dễ dàng cho trẻ uống sắt bổ sung. Lưu ý: Sắt có thể làm răng của trẻ bị ố vàng. Do vậy, nên đánh răng sau khi cho bé uống các chất bổ sung sắt dạng lỏng.

- Dạng siro: Siro bổ sung sắt thường có vị ngọt, tạo sự thích thú cho trẻ. Cha mẹ có thể dùng muỗng đi kèm với lọ siro để đo lường đúng hàm lượng và cho bé uống.

- Dạng viên nhai: Nếu cảm thấy khó khăn với việc đo liều lượng sắt cho bé với dạng lỏng hoặc siro, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng viên nhai bổ sung sắt. Viên nhai có vị ngọt, dễ nhai, có chứa nhiều vitamin và mùi hương dễ chịu. Tuy nhiên, loại viên nhai thường có hàm lượng sắt tương đối thấp. Cha mẹ cũng nên lưu ý luôn đóng nắp hộp, để xa tầm tay của trẻ em để tránh việc trẻ tự ý dùng thuốc.

- Dạng bột: Với sắt bổ sung dạng bột, cha mẹ có thể trộn chúng vào thức ăn của trẻ (ví dụ trộn với sữa chua, bột, cháo,...).

Bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu bằng thực phẩm

Những thực phẩm giúp bổ sung sắt cho trẻ được chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng gồm:

- Gan động vật: Gan các loài động vật như gà, bò, heo,... đều có hàm lượng sắt cao, đặc biệt phù hợp với trẻ bị thiếu máu thiếu sắt Tuy nhiên, khi chế biến các món ăn từ gan động vật, cha mẹ cần rửa sạch, bóp sạch máu đọng, nấu chín hẳn rồi mới cho trẻ ăn.

- Thịt đỏ: Các loại thịt đỏ như bò, cừu, heo, dê,... là nguồn bổ sung sắt phong phú, giúp cải thiện huyết sắc tố cho cơ thể. Thịt bò nạc là nguồn chất sắt dồi dào nhất. Ngoài ra, thịt bò còn chứa sắt heme - loại sắt cơ thể dễ dàng hấp thụ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều thịt đỏ vì chúng có hàm lượng cao cholesterol, có thể dẫn đến bệnh béo phì, bệnh tim mạch,...

- Hải sản: Là nhóm thực phẩm bổ sung sắt dồi dào cho bé, hỗ trợ điều trị thiếu máu thiếu sắt hiệu quả. Ngoài ra, hải sản còn giàu vitamin B12, giúp tăng cường hoạt động của các tế bào hồng cầu trong máu. Thiếu vitamin B12 có thể gây thiếu máu nghiêm trọng. Do đó, cha mẹ có thể cho trẻ ăn các loại hải sản để bổ sung các dưỡng chất này. Tuy nhiên, nên cho trẻ ăn ít một, thận trọng vì loại thực phẩm này dễ gây dị ứng và có hàm lượng cao các kim loại nặng.

- Trái cây: Nho, dâu tây, dưa hấu, chuối, đu đủ, mận, chà là,... là những loại trái cây giúp bổ sung hàm lượng sắt cao cho trẻ. Dưa hấu ngoài công dụng bổ sung sắt còn giúp lợi tiểu, chữa trị bệnh huyết áp cao, bệnh viêm thận,... Dâu tây và quả mâm xôi cung cấp hàm lượng sắt cao và các chất chống oxy hóa, giúp củng cố hệ miễn dịch cho bé. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý bổ sung các loại quả giàu vitamin C vào chế độ ăn của bé như ổi, cam, quýt, kiwi,... vì vitamin C giúp tăng cường sự hấp thu sắt của cơ thể.

- Thịt gà: Ức gà chứa nhiều sắt nhất so với các bộ phận khác của con gà. Các bộ phận khác như tủy, xương, gan gà,... cũng giúp tăng cường hemoglobin cho cơ thể.

- Rau xanh: Là lựa chọn lý tưởng để bổ sung sắt, vitamin và các dưỡng chất cần thiết cho bé. Việc ăn rau xanh thường xuyên giúp phòng ngừa các bệnh tim mạch, béo phì,... cho trẻ.

- Trứng: Là loại thực phẩm “siêu dinh dưỡng” vì chúng có chứa nhiều dưỡng chất mà cơ thể cần như sắt, protein, phospho, canxi, vitamin và khoáng chất. Mẹ có thể bổ sung trứng vào thực đơn ăn uống của bé nhưng cần lưu ý không cho trẻ ăn quá 4 quả/tuần.

- Các loại đậu, hạt: Có vai trò tuyệt vời trong việc bổ sung sắt cho cơ thể. Các loại thực phẩm này đều có nhiều cách chế biến. Cha mẹ có thể lựa chọn các loại hạt khô (đậu xanh, đậu nành, hạt bí ngô, hạt hướng dương, hạt điều, hạnh nhân,...) để cho bé ăn vào các bữa phụ.

- Thực phẩm khác: Ngũ cốc nguyên cám (lúa mạch, bột yến mạch,...) chocolate đen,...

Các loại thực phẩm này sẽ giúp cung cấp đủ lượng sắt và các dưỡng chất cần thiết cho bé, giúp bé phát triển khỏe mạnh.

Biện pháp phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

Để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ, cha mẹ nên lưu ý các biện pháp sau đây:

Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi

Để phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt ở trẻ trong nhóm tuổi này, cha mẹ cần:

- Trong giai đoạn mang thai:

- Xây dựng chế độ ăn uống giàu chất sắt. Thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt dồi dào.

- Thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra tình trạng thiếu máu. Nếu bác sĩ kê đơn bổ sung sắt thì mẹ bầu nên uống đúng theo hướng dẫn.

Cho trẻ dưới 12 tháng tuổi:

- Cho bé bú mẹ hoặc lựa chọn sữa công thức có bổ sung sắt.

- Không cho trẻ uống sữa tươi khi bé chưa được 12 tháng tuổi.

- Không trì hoãn việc cho bé ăn dặm. Khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, bắt đầu cho bé ăn thức ăn xay nhuyễn và có thể bổ sung ngũ cốc giàu sắt. Khi bé đủ 7 tháng tuổi, bé có thể ăn thức ăn nghiền hoặc dạng viên mềm.

Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên

Để phòng ngừa tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ từ 1 tuổi trở lên, cha mẹ cần nhớ:

- Cho bé ăn thịt nạc đỏ 3 - 4 lần/tuần. Các loại đậu, cá, trứng, thịt gia cầm,... cũng giàu chất sắt và là những nguồn cung cấp quan trọng trong bữa ăn hằng ngày của bé.

- Nếu gia đình theo chế độ ăn thuần chay, cần trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo bé nhận đủ chất sắt và các chất dinh dưỡng cần thiết.

- Bổ sung vitamin C cho bé để giúp hấp thu nhiều chất sắt hơn. Khuyến khích cho bé ăn các thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, cà chua, kiwi, bắp cải, bông cải xanh, ớt chuông,...

- Khuyến khích bé ăn thực phẩm đặc. Lưu ý không nên cho bé uống nhiều nước giữa các bữa ăn.

Đối với thanh thiếu niên

Để ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu thiếu sắt ở thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh cần:

- Giúp trẻ hiểu về tầm quan trọng của chất sắt. Khuyến khích trẻ ăn ngũ cốc giàu sắt vào bữa sáng và thêm thịt đỏ, cá, thịt gia cầm,... vào bữa trưa và bữa tối.

- Khuyến khích trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, ví dụ như rau xanh hoặc trái cây.

Bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu thiếu sắt là vô cùng cần thiết. Cha mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn uống hằng ngày của bé để cân bằng dinh dưỡng và cải thiện tình trạng thiếu máu cho trẻ.

Fabimilk Sữa mát tăng cân - Hỗ trợ tiêu hóa là sự lựa chọn hoàn hảo về dinh dưỡng cho trẻ từ 0 – 3 tuổi

ĐĂNG KÝ TRỞ THÀNH NPP FABIMILK

Hãy nhập email của bạn để được nhận những ưu đãi đặc biệt