Sự phát triển của trẻ sơ sinh: Hiểu bé qua từng tháng tuổi

Sự phát triển của trẻ sơ sinh: Hiểu bé qua từng tháng tuổi

30/06/2020Bình luận

Trong năm đầu đời, dù chưa biết nói nhưng không có nghĩa là bé không biết giao tiếp và học hỏi. Ngược lại, bé học rất nhiều từ mẹ đấy. Các mẹ hãy tìm hiểu đặc điểm từng tháng tuổi của bé để có phương pháp giúp bé phát triển tốt nhất nhé!

Bé 1 tháng
Bạn dành nhiều thời gian ở bên cạnh bé càng tốt. Vì sao ư? Bởi vì trẻ sơ sinh có tầm nhìn tốt nhất ở khoảng cách từ 20 – 38 cm. Khi mắt đang phát triển, bé thường nhìn xung quanh và tập trung vào những khuôn mặt của người đối diện. Khi bé thức, bạn hãy kề sát mặt mình với mặt bé, nhìn bé một cách trìu mến để tăng sự kết giao.

Bé 2 tháng
Giúp bé phát triển tốt bằng cách nhẹ nhàng nắm tay bé vỗ vỗ vào nhau và hát khe khẽ. Bé sẽ dần dần quen với việc ngôn ngữ và điệu bộ đi kèm với nhau và từ từ bắt chước giống bạn. Vì thế, hãy cười thật tươi khi ôm bé, làm những cử chỉ khác nhau và lặp lại thường xuyên. Vài tháng sau, bạn sẽ thấy bé làm y hệt bạn cho mà xem.

Bé 3 tháng


Bé bắt đầu biết dùng tay huơ huơ để chơi đùa hay muốn lấy thứ gì đó. Để giúp bé phát triển sự phối hợp giữa tay và mắt, bạn nền chọn những món đồ chơi nhiều màu sắc và để trong tầm tay cho bé nắm lấy. Bé cũng thích nâng đầu mình lên một chút. Cho bé chơi với một chiếc gương (đã được che phủ góc cạnh an toàn) cũng là phương pháp giúp động tác bé linh hoạt hơn bởi bé sẽ rất thích nhìn gương mặt dễ thương của mình trong gương.

Bé 4 tháng

4 tháng tuổi, cái gì với bé cũng mới lạ và thích học hỏi: Nào  cách vận động, nào những người xung quanh, nào giọng nói, âm điệu, cảm xúc… Bé cũng biết thể hiện rõ cảm xúc của mình như: vui thích khi chộp được món đồ chơi màu mè hoặc mếu máo hay khóc thét lên khi bị lấy mất đồ chơi. Đây là thời điểm bé hình thành phản xạ.

Bé 5 tháng
Mắt và tai của bé đã hoàn thiện chức năng như người lớn vào 5 tháng tuổi. Cục cưng của bạn bắt đầu biết bập bẹ từ ngữ. Giúp bé học các giao tiếp bằng cách nói chuyện với bé nhiều hơn, lặp đi lặp lại rõ ràng những cụm từ nào đó bạn cố ý muốn dạy bé, bé sẽ cố gắng để học nói theo bạn. Đây cũng là lúc bạn nên bắt đầu đọc sách cho bé nghe, chỉ vào đồ vật và gọi tên để bé học nhận diện.

Bé 6 tháng
Khi cục cưng 6 tháng của bạn biết ngồi và bò đi xung quanh, hãy khuyến khích bé vận động bằng cách đặt món đồ chơi khỏi tầm với của bé một chút, khuyến khích bé tự với tới. Lưu ý là em bé thường “ăn tất cả mọi thứ vớ được”, vì thế bạn phải thật cẩn thận khi chọn đồ chơi cho bé. Nên chọn những món có kích thước lớn hơn lõi giấy toilet một chút cũng nhưng bảo đảm khu vực xung quanh an toàn cho bé.

Bé 7 tháng
Các kỹ năng của bé đã cứng cáp hơn một chút và bắt đầu biết cách nắm chặt đồ vật. Tiếp tục đặt những món đồ chơi an toàn xung quanh, khuyến khích bé nhặt lên để phát triển kỹ năng vận động. Cho bé chơi những chiếc muỗng và tách nhựa an toàn. Cũng có thể cho bé ngồi trên bãi cỏ êm mượt, bé sẽ thích thú nhổ từng cọng cỏ bằng bàn tay bé xíu của mình.

Bé 8 tháng

8 tháng tuổi là khoảng thời gian bé nhận biết không gian và sử dụng từ ngữ. Lúc này nên cho bé chơi những ráp vật này khít với vật kia như ghép hình hay nồi niêu xoong chảo. Mẹ cũng nên hỏi bé kiểu như: “Mũi của con đâu?” rồi lấy tay chỉ vào mũi bé. Tương tự với các bộ phận khác trên cơ thể và lặp lại trò chơi này liên tục để dạy bé biết ý nghĩa của ngôn từ.

Bé 9 tháng
Lúc này bé hay bị cuốn hút bởi những thứ có thể đung đưa như bản lề. Bé có thể mở ra đóng lại cuốn sách hàng chục lần, đung đưa cánh cửa tủ, hộp carton, những món đồ chơi kéo ra đẩy vào… Đây cũng chính là lúc bé phát triển kỹ năng phối hợp giữa tay và mắt.

Bé 10 tháng
Bé sẽ rất yêu thích trò chơi trốn tìm khi được 10 tháng. Chơi trò “Mẹ đi đâu rồi” sẽ giúp bé phát triển kỹ năng vận động và bắt đầu cho bé hiểu rằng: “Một thứ không nhìn thấy không có nghĩa là nó đã biến mất mà vẫn còn đâu đó rất gần”. Bạn hãy giấu món đồ chơi sặc sỡ bé yêu thích vào dưới một chiếc khăn hay trong nộp cát. Cho bé thò tay vào sờ tìm chúng. Bé sẽ rất thích thú và không bao lâu sẽ tự mình tìm được mà không cần mẹ giúp đỡ.

Bé 11 tháng
Tiếp tục giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ với nhiều bài hát và trò chơi. Mẹ nên nhớ rằng, ngôn ngữ phát triển tốt nhất bằng sự tương tác qua lại với nhau chứ không phải một chiều từ TV hay các DVD chương trình trẻ em. Vì thế bạn hãy trò chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt. Kể cho bé nghe bạn đang làm gì, đặt ra những câu hỏi, sử dụng cử chỉ và giọng điệu…, bé sẽ quan sát và nắm bắt từ hành động của bạn.

Một số trẻ sẽ biết nói từ sớm. Một số khác chỉ… im lìm “thu thập thông tin” mà chưa buồn “nói năng” gì. Sự khác biệt này là điều bình thường giữa những đứa trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, nếu bạn quá lo lắng về thiên thần nhỏ của mình, hãy tư vấn bác sĩ nhi khoa. Năm đầu tiên trong cuộc đời của bé rất thú vị, và là những người mẹ, bạn nhớ đừng bỏ qua mà hãy tận hưởng khoảng thời gian tuyệt diệu này các mẹ nhé!

Nguồn: marrybaby.vn

ĐĂNG KÝ TRỞ THÀNH NPP FABIMILK

Hãy nhập email của bạn để được nhận những ưu đãi đặc biệt