Táo bón là một trong những biểu hiện thường xuyên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gây nên những khó chịu cho trẻ trong việc ăn uống, ngủ nghỉ cũng như vui chơi. Vì vậy các bậc phụ huynh cần nhận biết sớm tình trạng táo bón ở trẻ để có phương pháp xử lý kịp thời, giúp con khỏe mạnh.
1. Nguyên nhân bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh
Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng chậm đi tiêu. Đối với trẻ uống sữa công thức, việc đại tiện thường diễn ra 1 lần/ngày. Với trẻ bú mẹ, việc đại tiện có thể diễn ra 2-3 lần/ngày. Tuy nhiên, có trẻ 3 ngày đi một lần nhưng phân mềm xốp, trẻ đi dễ dàng thì chưa gọi là táo bón. Còn trẻ 1 đến 2 ngày đi một lần nhưng phân keo dính, cứng, trẻ phải rặn khó khăn thì là táo bón.
Có rất nhiều nguyên nhân táo bón ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên có một vài nguyên nhân chính khiến bé gặp phải tình trạng này như sau:
Trẻ bú không đủ khiến cơ thể trẻ bị mất nước: Với trẻ sơ sinh từ 1 đến 6 tháng tuổi, sữa mẹ vừa là nguồn thức ăn vừa là nguồn cung cấp nước cho cơ thể. Trẻ bú mẹ chưa đủ sẽ khiến cơ thể bị mất nước, gây táo bón.
Trẻ uống sữa công thức dễ bị táo bón: Với những bé chỉ bú mẹ rất hiếm khi bị táo bón do trẻ có khả năng tiêu hóa gần như hoàn toàn thức ăn. Bởi sữa mẹ có sự cân bằng hoàn hảo giữa chất đạm và chất béo, cho nên ngay cả khi bé không đi ngoài trong vài ngày, bé vẫn đi ngoài phân mềm. Tuy nhiên, với những trẻ từ 1 tháng đến trẻ 6 tháng táo bón do dùng sữa công thức thì nguyên nhân có thể do một thành phần nào đó trong sữa khiến bé bị táo bón.
Do chế độ ăn uống của mẹ: Hầu hết, trẻ sơ sinh còn ít tháng tuổi nên sữa mẹ là nguồn thức ăn thiết yếu nhất đối với trẻ. Vì thế chế độ ăn uống của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến dinh dưỡng cũng như sẽ gây táo bón trẻ sơ sinh. Việc mẹ ăn nhiều đồ cay nóng, khó tiêu, ít chất xơ, thiếu dinh dưỡng, chế độ ăn ngủ không hợp lý khiến các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể bé là nguyên nhân gây táo bón sơ sinh.
Táo bón sơ sinh do bệnh lý: Việc em bé bị táo bón có thể là do bệnh lý xuất phát từ chính cơ thể của bé. Do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa hoặc các dị tật bẩm sinh như: đại tràng bị phình to (bệnh Hipschsprung), bệnh suy giáp trạng (bệnh Myxoedeme) khiến trẻ bị táo bón sớm.
2. Cách nhận biết sớm táo bón ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh chưa biết nói nên không thể thông báo với bố mẹ khi bị táo bón. Do đó, bố mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ để phát hiện kịp thời và có biện pháp khắc phục sớm.
Tần suất đi đại tiện ít hơn bình thường: Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường đi ngoài từ 2-3 lần/ngày. Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ ít gặp tình trạng táo bón hơn so với những trẻ uống sữa công thức. Nếu thấy trẻ có biểu hiện đi ngoài ít hơn bình thường, khoảng 1-2 ngày mới đi đại tiện một lần, đặc biệt là trẻ mới sinh dưới 1 tháng, mẹ có thể nghĩ đến trường hợp trẻ bị táo bón.
Phân cứng, vón cục: Trẻ sơ sinh mắc chứng táo bón phân thường có các đặc điểm nhỏ hình viên, vê tròn có màu đen hoặc xám, phân khô, không có độ ẩm. Đặc biệt nếu mẹ thấy trong phân bé có máu, chứng tỏ hậu môn bé bị tổn thương do táo bón.
Trẻ quấy khóc, lười ăn hoặc bỏ ăn: Trẻ bỗng dưng quấy khóc vô cớ, biếng ăn và có các biểu hiện nhăn nhó, khó chịu là một trong những dấu hiệu để nhận biết bệnh táo bón sơ sinh. Do thức ăn nạp vào cơ thể bé không được hấp thụ, đào thải nên khiến bé cảm thấy đầy bụng, khó chịu, mệt mỏi. Do vậy, trẻ hay quấy khóc vô cớ, ngủ không sâu giấc. Từ việc thức ăn trong cơ thể không được tiêu hóa nên dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn hoặc bỏ ăn.
Trẻ bị đầy bụng, khó tiêu: Những em bé bị táo bón bụng lúc nào cũng trong tình trạng phình to và sờ thấy cứng. Điều này chứng tỏ rằng em bé của bạn đang bị khó tiêu, đầy bụng.
3. Táo bón ở trẻ sơ sinh và cách khắc phục
Tình trạng táo bónở trẻ sơ sinh và cách khắc phục như thế nào là mối quan tâm của nhiều bà mẹ, bởi khi trẻ bị táo bón kéo dài, phân không được đào thải ra ngoài, một số chất độc trong phân có thể xâm nhập trở lại và gây hại cho sức khỏe của trẻ. Nếu không điều trị táo bón triệt để thì táo bón có thể gây tắc nghẽn đường ruột, phình đại tràng, bệnh trĩ,.... Vì thế, việc quan trọng cần làm là phát hiện chứng táo bón ở trẻ, và tìm cách khắc phục cho con.
Dưới đây là một trong những phương pháp khắc phục mà các mẹ có thể áp dụng cho bé yêu của mình:.
Khi bị thiếu nước hoặc mất nước, cơ thể sẽ hấp thụ chất lỏng từ bất cứ đâu nên kết cấu của phân bé trở nên khô và rắn hơn, khiến bé gặp khó khăn khi đi tiêu, do hãy cho trẻ sơ sinh bú đủ để phòng tránh thiếu nước.
Trẻ bú mẹ bị táo bón thì mẹ hãy điều chỉnh chế độ ăn để cải thiện chất lượng sữa mẹ: tăng cường chất xơ từ rau củ quả, uống nhiều nước, tránh các đồ ăn cay nóng, chất có cồn,..
Đối với trẻ táo bón do bú sữa công thức, mẹ có thể chuyển sang một loại sữa công thức khác phù hợp hơn với con. Hãy tìm hiểu các nhãn sữa bột công thức có chứa các thành phần chất xơ FOS, HMO, OPO và đạm Whey giàu Alpha-lactalbumin.
Massage bụng cho bé: Mẹ dùng 3 ngón tay giữa chụm lại, đặt lên vùng bụng xung quanh rốn rồi xoa nhẹ với lực ấn vừa đủ. Việc làm này sẽ khiến thức ăn khó tiêu còn trong bụng sẽ mềm ra và chuyển động xuống hậu môn. Mẹ hãy thực hiện động tác này mỗi lần 3 phút để kích thích trẻ đi ngoài.
Ngâm hậu môn bằng nước ấm: Nước ấm có tác dụng kích thích cơ vòng hậu môn giúp trẻ sơ sinh dễ đi ngoài hơn. Mẹ hãy ngâm hậu môn vào nước ấm khoảng 1-2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 5 phút cho trẻ.
Trong trường hợp triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh kéo dài hơn 2 tuần hoặc táo bón có kèm theo sốt, nôn ói, tiêu phân có máu, bụng bự lên, sụt cân, nứt hậu môn thì nên đưa trẻ đi khám ngay.